Lý do Hội đồng Thẩm phán không chấp nhận ba kiến nghị của Viện trưởng VKSNDTC

Hội đồng Thẩm phán TANDTC mở phiên họp ngày 07/4/2022, xem xét ba kiến nghị của Viện trưởng VKSNDTC về hai vụ án hình sự (là vụ Phạm Công Danh, vụ Đặng Thanh Tuấn) và một vụ án dân sự ( vụ ly hôn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ)

Trước đó, Viện trưởng VKSNDTC có các văn bản: Kiến nghị số 03/KN-VKSTC ngày 11/3/2021, Kiến nghị số 05/KN-VKSTC ngày 31/8/2021 và Kiến nghị số 02/KN-VKS-HNGĐ ngày 12/01/2022 đề nghị xem xét lại các quyết định: Quyết định giám đốc thẩm số 17/2020/HS-GĐT ngày 08/10/2020 về vụ án Phạm Công Danh bị xét xử về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Quyết định giám đốc thẩm số 01/2020/HS-GĐT ngày 21/02/2020 về vụ án Đặng Thanh Tuấn không phạm tội hiếp dâm trẻ em và Quyết định giám đốc thẩm số 01/2021/HNGĐ-GĐT ngày 11/3/2021 về vụ án tranh chấp hôn nhân – gia đình giữa nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo và bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Phiên họp này được tiến hành theo quy định về thủ tục đặc biệt xem xét lại Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC quy định tại Chương XXVII BLTTHS năm 2015 và Chương XXII BLTTDS năm 2015.

Theo đó, quy định của luật về yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC được ghi nhận như sau:

Khoản 1 Điều 404 BLTTHS năm 2015 quy định: "1. Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó."

Theo quy định tại khoản 1 Điều 358 BLTTDS năm 2015 thì: "1. Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, đương sự đã không thể biết được khi ra quyết định đó, nếu có yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại quyết định đó."

Tại phiên họp, sau khi nghe bản trình bày tóm tắt nội dung vụ án cũng như quá trình giải quyết đối với các vụ án cùng nội dung văn bản kiến nghị của Viện trưởng VKSNDTC; các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC trên tinh thần làm việc khách quan, công minh, trách nhiệm, tuân thủ pháp luật đã đưa ra các phân tích, lập luận về từng kiến nghị.

Căn cứ theo quy định của các điều luật nêu trên, chỉ khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán TANDTC (hoặc đương sự trong vụ án dân sự) không biết được khi ra quyết định đó thì mới có căn cứ để xem xét lại quyết định đó theo thủ tục luật định.

Tuy nhiên, trong cả ba văn bản kiến nghị nói trên của Viện trưởng VKSNDTC đều không chỉ ra được các Quyết định của Hội đồng Thẩm phán nêu trên có vi phạm pháp luật nghiêm trọng gì, cũng như không chỉ ra được có tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung các Quyết định giám đốc thẩm đó. Về cơ bản, các tình tiết mà Viện trưởng VKSNDTC nêu trong kiến nghị đều đã được Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét, đánh giá trong các Quyết định giám đốc thẩm một cách khách quan, toàn diện.

Vì vậy, sau khi phân tích, thảo luận, các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC thấy rằng không có căn cứ để chấp nhận kiến nghị của Viện trưởng VKSNDTC./.